Làm đẹpMẹo vặtSức khoẻ

Dị ứng kem chống nắng và cách khắc phục

Chống nắng là bước chăm sóc quan trọng không thể thiếu trong quy trình chăm sóc da hàng ngày bởi khả năng nuôi dưỡng và bảo vệ da tránh khỏi tác hại của tia UV (tia cực tím), tránh những tác động làm lão hóa da sớm và ung thư da. Tuy vậy vẫn có không ít trường hợp bị dị ứng kem chống nắng hay với một vài thành phần có trong đó, gây ra các triệu chứng khó chịu trên cơ thể. Nguyên nhân vì sao và cách khắc phục như thế nào? Hãy cùng Cà Tím tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.

Nguyên nhân dị ứng kem chống nắng

Thành phần có trong sản phẩm

Các thành phần kem chống nắng có thể gây ra phản ứng dị ứng kem chống nắng ở một số người như oxybenzone hoặc benzophenone-3. Đây là hai thành phần có nhiều khả năng gây ra phản ứng dị ứng nhất.

Các thành phần chống nắng khác dễ gây phản ứng bao gồm:

  • Benzophenones
  • Cinnamates
  • Dibenzoylmethane

Ngoài ra, một vài người khác cũng có thể bị dị ứng hoặc nhạy cảm với hương thơm và chất bảo quản mà các nhà sản xuất thường thêm vào kem chống nắng.

Kem chống nắng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng

Hiện nay trên thị trường đang có rất nhiều các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc và kém chất lượng với các thành phần có hại cho da. Việc sử dụng các sản phẩm này có thể khiến cho làn da bị hư hại, tổn thương, dễ bùng phát các triệu chứng dị ứng.

Đồng thời các loại kem chống nắng này nếu dùng trong thời gian dài còn gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn. Phải kể đến như làm tăng nguy cơ lão hóa da, hình thành nếp nhăn, sạm nám và tàn nhang.

Sử dụng kem chống nắng không phù hợp với loại da

Các loại kem chống nắng hiện đang được sản xuất thành nhiều dòng khác nhau để có thể đáp ứng tốt hơn với từng loại da. Phải kể đến như da khô, da dầu, da nhạy cảm hay da hỗn hợp. Nếu lựa chọn sản phẩm không phù hợp với làn da của mình thì nguy cơ gặp phải các triệu chứng dị ứng như nổi mẩn đỏ hay ngứa ngáy là rất cao.

Sử dụng kem chống nắng sai cách 

Nhiều người quan niệm bôi kem chống nắng càng dày thì hiệu quả càng cao. Nhưng thực tế đây là quan niệm chưa đúng. Bôi kem quá dày khiến da bị bí và dẫn đến xuất hiện các tình trạng như mẩn đỏ và nổi mụn.

Sử dụng sản phẩm đã hết hạn sử dụng

Các thành phần trong kem chống nắng có thể bị biến chất khi hết hạn sử dụng, do đó sử dụng sản phẩm đã hết hạn có thể gây kích ứng cho da như mẩn đỏ, nổi mụn,… Ngoài ra, việc bảo quản không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và có khả năng gây ra dị ứng.

Dấu hiệu dị ứng kem chống nắng

Dị ứng kem chống nắng có thể xảy ra ngay sau khi thoa kem chống nắng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể mất một khoảng thời gian để phát triển và gây ra những dấu hiệu như sau:

  • Đỏ da hoặc sưng tấy
  • Sau khi bôi kem chống nắng bị ngứa hoặc châm chích
  • Nổi mẩn hoặc phát ban
  • Đóng vảy hoặc chảy máu
  • Phát ban hoặc mụn nước 

Những người có các bệnh sẵn có, chẳng hạn như bệnh chàm và bệnh vẩy nến, có nhiều nguy cơ bị dị ứng kem chống nắng. Nếu bạn mắc các chứng bệnh này thì nên cẩn thận hơn khi dùng kem chống nắng, tránh những tác hại không đáng có trên da.

Cách khắc phục khi bị dị ứng kem chống nắng

Làm sạch da

Việc cần làm đầu tiên đó là làm sạch da, chú ý sử dụng các sản phẩm tẩy trang, sữa rửa mặt có thành phần dịu nhẹ. Tuy nhiên, cũng không nên rửa mặt quá nhiều lần và sử dụng nhiều mỹ phẩm. Ngoài ra, da đang bị dị ứng thì không nên trang điểm bởi các thành phần trong mỹ phẩm có thể khiến tình trạng da tệ hơn.

Ngưng sử dụng khi có dấu hiệu bất thường

Khi biết bản thân bị dị ứng với loại kem chống nắng đang dùng thì nên ngưng sử dụng ngay. Thay vào đó, nên lựa chọn các loại kem có thành phần thiên nhiên, dịu nhẹ phù hợp với loại da đang mẫn cảm.

Dưỡng ẩm và làm dịu da

Da đang bị dị ứng đồng nghĩa với việc da đang bị tổn thương, do đó, bạn cần quan tâm vào việc dưỡng ẩm và làm dịu mát da để da có thể cân bằng lại.

Một số biện pháp có thể áp dụng:

  • Chườm lạnh: Sau khi các triệu chứng dị ứng bùng phát thì bạn có thể chườm lạnh để làm dịu vùng da bị tổn thương. Đồng thời giảm ngứa cũng như ngăn ngừa triệu chứng lan tỏa rộng. Bên cạnh đó việc vệ sinh da bằng nước mát cũng rất tốt cho làn da đang bị dị ứng.
  • Dưỡng ẩm cho da: Khi bị dị ứng kem chống nắng, làn da của bạn thường có sức đề kháng yếu và dễ bị tổn thương. Vì vậy cần chú ý dưỡng ẩm da thường xuyên trong suốt thời gian điều trị để duy trì độ ẩm, cân bằng độ pH và phục hồi màng lipid trên da.
  • Xông hơi: Biện pháp này chỉ nên áp dụng khi làn da đã dần ổn định trở lại. Có thể dùng gừng, sả, chanh hay tinh dầu tràm trà để xông hơi. Cách này sẽ giúp làm sạch sâu lỗ chân lông, cân bằng độ pH cũng như điều hòa hoạt động tiết bã nhờn. Đồng thời còn giúp thanh lọc độc tố tích tụ, nuôi dưỡng làn da từ bên trong.
  • Sử dụng xịt khoáng: Da bị dị ứng kem chống nắng thường bị ngứa ngáy, khô ráp và đôi khi còn bong tróc. Để làm dịu da và dưỡng ẩm tốt hơn, bạn nên xịt khoáng khoảng từ 3 – 5 lần mỗi ngày.

Đến phòng khám da liễu

Nếu tình trạng dị ứng da trở nặng, bạn nên đến các phòng khám da liễu để được hỗ trợ điều trị.

Cách phòng ngừa tình trạng dị ứng kem chống nắng

Để tránh được các nguy cơ dị ứng với kem chống nắng, bạn nên chủ động phòng ngừa bằng một số biện pháp được gợi ý sau:

  • Thận trọng khi lựa chọn các loại kem chống nắng, đọc kỹ thành phần của sản phẩm trước khi mua về dùng.
  • Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được tư vấn về sản phẩm kem chống nắng an toàn và thích hợp nếu bạn sở hữu một làn da nhạy cảm.
  • Cần chú ý bảo quản kem chống nắng đúng cách để tránh hư hỏng, đồng thời tuyệt đối không sử dụng sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
  • Trước khi thoa kem chống nắng nên vệ sinh da sạch sẽ và không thoa 1 lớp kem quá dày. Cuối ngày hãy tẩy trang và vệ sinh da, đồng thời dưỡng ẩm cho da đầy đủ.

Bài viết liên quan

Chat