Ẩm thựcTết

Tổng hợp các món ăn ngày tết

Dịp Tết là thời điểm quan trọng và truyền thống tại Việt Nam, nơi mọi người thường tổ chức các bữa tiệc lớn, thưởng thức những món ăn ngon để chia vui và cầu may mắn cho năm mới. Dưới đây là một danh sách đa dạng về món ăn phổ biến vào dịp Tết Việt Nam:

Bánh Chưng và Bánh Tét

Bánh Chưng và bánh Tét là một món ăn truyền thống đã có từ thời xa xưa và đến nay nó vẫn được coi là biểu trưng cho ngày Tết. Món ăn tượng trưng cho sự hòa quyện của trời đất, là một nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta.

Bánh chưng với lớp gạo nếp xanh và đậu xanh và thịt heo ở giữa, bọc bằng lá chuối. Bánh tét tương tự nhưng thường dài hơn và có nhiều loại nhân.

Xôi gấc

Xôi gấc là một món ăn rất được ưa chuộng, món ăn có màu đỏ tươi tượng trưng cho màu của may mắn và tài lộc.

Dưa hành

Dưa hành là một món ăn dân dã nhưng lại rất đặc biệt trong những món ăn ngày Tết của người Bắc. Món ăn này có vị chua, cay nhẹ được dùng để ăn kèm với bánh chưng hoặc thịt đông rất ngon. 

Nem rán

Nem rán bên ngoài màu vàng óng, bên trong thì chứa đầy thịt lợn, mộc nhĩ, nấm hương và giá. Món ăn này mang đến vị ngon, giòn rụm rất hấp dẫn không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên Đán của người miền Bắc. Nem rán được rất nhiều người ưa thích và còn được xem là món ăn tượng trưng cho “quốc hồn, quốc túy” của người Việt.

Giò lụa

Giò lụa thường được đặt ở vị trí trung tâm của mâm cỗ ngày Tết, chúng có ý nghĩa trong ấm ngoài êm, phúc lộc đầy nhà. Món ăn này được làm từ thịt lợn xay nhuyễn và gói bằng lá chuối rồi luộc chín. Những miếng giò giòn dai, thơm ngon có thể ăn kèm với cơm hay bánh mì đều được. Bạn có thể bảo quản giò trong ngăn mát tủ lạnh và mang ra đãi khách bất cứ lúc nào, đặc biệt là trong những dịp Tết.

Thịt gà luộc

Gà luộc là một món ăn quen thuộc, không thể thiếu trong các mâm cỗ, nhất là trong dịp Tết. Thịt gà luộc có vị ngọt thơm ăn kèm với lá chanh và chấm muối chanh ớt sẽ mang lại một hương vị riêng lạ miệng và rất khó quên. Đĩa gà luộc được bày biện trong mâm cơm đãi khách nổi bật nhờ màu vàng ươm, thịt mềm và da căng bóng thật hấp dẫn.

Canh khổ qua

Canh khổ qua là món ăn ngon đặc trưng trong dịp Tết của người miền Nam, với mong muốn đẩy lùi cái khổ và chào đón những điều tốt đẹp trong năm mới may mắn, bình an, nhiều điều tốt lành. Canh khổ qua không chỉ ngon miệng, ý nghĩa mà nó còn giúp giải nhiệt cũng như tốt cho sức khỏe.

Thịt kho tàu (thịt kho trứng)

Món ăn ngày Tết tại miền Nam không thể thiếu món thịt kho tàu đậm đà. Vào dịp tết, người dân Nam Bộ thường nấu một nồi thịt kho tàu thật to để ăn dần. Món ăn này rất thơm ngon, đậm đà cũng như rất dễ ăn và cực kỳ đưa cơm. 

Canh măng

Món ăn này không còn xa lạ trong mâm cỗ ngày Tết của cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Canh măng được nấu từ măng chua (hoặc măng tươi) với xương, chân giò lợn hoặc cổ, cánh gà… Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt pha lẫn chút chua chua, nhẫn nhẫn của măng và vị ngọt bùi của thịt, xương rất hấp dẫn.

Thịt đông

Có lẽ, trong các món ăn ngày Tết miền Bắc, thì thịt đông là món khi nhắc đến người ta sẽ nghĩ ngay đến ẩm thực của người Hà Nội. Được làm từ thịt lợn, thịt gà hoặc đôi khi là cả chân giò lợn, kế đó mang chúng đi ninh nhừ thật nhừ qua một đêm để trở thành món thịt đông vô cùng hấp dẫn.

Chè kho

Chè kho là món ăn rất phổ biến trong các mâm cỗ cúng tổ tiên của gia đình người Việt vào ngày rằm, mồng một đầu tháng hoặc các ngày lễ Tết, được xem như 1 nét đặc trưng không thể nào bỏ qua được.

Chè kho beo béo của nước cốt dừa, hương vị đỗ xanh quyện lại cùng đường tạo nên món ăn ngọt ngào đậm vị trong ngày đầu xuân năm mới, đảm bảo ai nấy ăn rồi chỉ có ghiền thôi.

Giò xào

Đây là món ăn ngày Tết truyền thống của người miền Bắc và hiện nay đã phổ biến khắp cả nước. Giò xào với thành phần chính là thịt thủ xào chín cùng một số nguyên liệu như mộc nhĩ, muối, hạt nêm, tiêu xay,… rồi gói và nén chặt trong lá chuối.

Lạp xưởng

Lạp xưởng là món ăn ngày Tết phổ biến ở miền Nam mà ai ai cũng thích. Lạp xưởng có thể được chế biến thành các món nướng, chiên, luộc. Ngoài ra, lạp xưởng cũng rất đa dạng để bạn lựa chọn theo khẩu vị và sở thích như lạp xưởng tươi, tôm, cá, khô…

Củ kiệu

Có bánh chưng bánh tét thì làm sao thiếu được món củ kiệu ăn kèm. Món ăn dân dã, thân thương đến nổi chỉ cần nhìn thấy nó là cảm nhận được ngay năm mới sắp đến, mùa xuân ùa về.

Cái mùi thơm đặc trưng cùng vị giòn giòn, chua ngọt của củ kiệu làm ai nấy cũng phải mê đắm. Tết này chuẩn bị ngay cho gia đình mình 1 hũ củ kiểu thơm ngon, hấp dẫn này nhé, bảo quản được lâu nên cần là có ngay thôi.

Bánh in

Bánh in là một trong những loại đặc sản ở đất Cố đô, đồng thời cũng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền miền Trung. Sở dĩ được gọi là bánh in vì trên bánh có in hình các chữ cái hoặc phượng rồng mang lại may mắn cho gia chủ. 

Thịt ngâm mắm

Vào mỗi dịp Tết đến, thịt ngâm mắm là món ăn khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Nguyên liệu chính để làm món ăn này có thể là thịt heo hoặc thịt bò, sau khi sơ chế xong sẽ được ngâm vào nước mắm đường đã nấu theo tỷ lệ nhất định. 

Từng thớ thịt săn chắc được ngâm trong nước mắm để nhiều ngày sẽ tạo nên món ăn cực kỳ hấp dẫn và ngon miệng. Thịt ngâm mắm có vị mặn mặn, ngọt ngọt thường ăn kèm với cơm trắng, xôi nếp, bánh tét hay dưa món chua ngọt và rau sống, rau thơm.

Nem chua

Món ngon không thể thiếu của các gia đình miền Trung trong dịp Tết đó chính là món nem chua. Mỗi khi có bạn bè hay người thân tới chơi nhà, chỉ cần nhắm vài chung rượu với nem chua là đã đủ ngon quên lối về.

Canh bóng bì lợn

Canh bóng bì lợn hay còn gọi là canh bóng thả, là món ăn có trong mâm cỗ mỗi dịp Tết của người Hà Nội xưa. Vị thanh mát, ngọt dịu của nước dùng, kèm với thịt mọc béo thơm, bóng bì giòn sần sật, thơm lừng hương nấm và rau củ tạo nên hương vị trọn vẹn.

Bánh thuẫn

Từ lâu, bánh thuẫn đã được xuất hiện trong mâm cỗ ngày Tết như 1 tục lệ mà chẳng gia đình nào có thể thiếu sót được.

Mặc dù ngày nay có nhiều loại bánh ngon hơn đẹp hơn xuất hiện nhưng chẳng thế nào làm phai nhoà hương vị ngọt ngọt, thơm xốp của loại bánh này trong tiềm thức của mỗi người dân Việt.

Bánh gai

Bánh gai là đặc sản truyền thống có từ lâu đời của nhiều làng quê Việt Nam. Món bánh này mang ý nghĩa đặc biệt, chan chứa hồn quê đậm đà, khiến ai đã ăn một lần thì đều nhớ mãi không quên.

Bánh gai miền nam có hai vị nhân ngọt là vị nhân đậu xanh và nhân dừa đường tùy theo sở thích của từng người. Nếp được trộn với lá gai cho ra màu đen huyền vô cùng hấp dẫn. Cắn một miếng bánh mềm và dẻo thơm phức trong miệng mới thấy hết cái tinh túy và thú vị của ẩm thực tết người Việt Nam

Bài viết liên quan

Chat