Cách làm cơm rượu miền Nam ngọt thơm
Cơm rượu có mùi thơm đặc trưng, mềm, tan vào trong miệng, vị mặn, ngọt, chua chua kết hợp hài hòa với nhau. Hãy cùng Cà Tím vào bếp thực hiện ngay món cơm rượu này nhé!
Nguyên liệu làm cơm rượu
- Gạo nếp
- Muối
- Men ngọt
- Đường
- Một ít lá chuối
Cách làm cơm rượu
Nấu cơm nếp
Cho 600gr gạo nếp vào nồi cơm điện, đem vo khoảng 2 lần để gạo được sạch. Khi ngâm bạn hãy cho thêm khoảng 1 muỗng cà phê muối tinh để tăng thêm vị đậm đà. Sau khi ngâm nếp được khoảng 3 tiếng, bạn rửa sạch lại gạo nếp bằng nước và cho gạo vào nồi cơm điện nấu chín như nấu cơm.
Lưu ý: Lượng nước khi nấu gạo nếp trong nồi cơm điện đong cao hơn mặt gạo một chút, vì gạo nếp không quá tốn nhiều nước như gạo tẻ, nếu không chú ý cơm rượu sẽ bị nát hoặc khô.
Rắc men
Gạo sau khi chín, bạn dàn mỏng ra mâm hoặc khay và chờ cơm nguội bớt, đến khi cơm còn ấm ấm khoảng 30 – 35°C là được. Tiếp đến, giã nhỏ men rồi rắc đều men lên cơm.
Lưu ý: Không để cơm nguội quá nếu không cơm sẽ không lên men hoặc lên men chậm. Cũng không rắc men khi cơm còn nóng quá vì sẽ làm chết men.
Cán và vo viên
Trộn đều hỗn hợp cơm nếp và men rồi cho hỗn hợp vào bao, sau đó dùng cây cán bột cán đều cơm. Tiếp đến, hòa tan 1 muỗng cà phê muối với 250ml nước. Rửa sạch tay, cho vào lòng bàn tay một ít nước muối rồi dùng tay vo cơm thành từng viên nhỏ.
Bạn có thể dùng 1 mảnh lá chuối nhỏ cuốn ngang thân để cơm rượu thơm mùi lá chuối hơn. Phần nước muối còn lại đem vẩy đều lên cơm.
Ủ cơm rượu lần 1
Dùng màng bọc thực phẩm bọc kín cơm lại. Sau đó, lấy 1 – 2 cái khăn bọc khay cơm lại rồi để vào chỗ tối và kín gió để khi ủ cơm rượu được trắng. Đem phần cơm rượu đi ủ 3 ngày.
Lưu ý: Đậy cơm thật kín nếu không cơm sẽ bị chua vì khi đó men rượu đã bị hỏng. Nếu để cơm chỗ sáng, cơm sẽ có màu vàng mất màu trắng
Nấu nước đường và ủ lần 2
Cho 1 lít nước cùng 500gr đường vào nồi và khuấy tan đường rồi bật bếp nấu sôi hỗn hợp nước đường. Sau khi sôi, hạ nhỏ lửa và để thêm 1 phút.
Sau đó, tắt bếp, chờ đến khi hỗn hợp hơi ấm ấm (khoảng 30 – 38 độ C) thì đổ hỗn hợp nước đường vào cơm rượu đã ủ được 3 ngày. Đậy kín lại và ủ tiếp trong 3 ngày.
Mách nhỏ: Sử dụng đường sạch để khi làm cơm rượu không bị mốc do dính muối hoặc các gia vị khác. Cơm rượu lên men bạn có thể ăn kèm với bánh bò hoặc xôi vò đều ngon.
Thành phẩm
Sau khi ủ 3 ngày, bạn đã có món cơm rượu miền Nam ngon đúng vị. Cơm rượu có màu trắng đẹp mắt, thơm mùi lên men nồng nàn như rượu. Khi ăn vào còn cảm thấy vị chua, chút mặn, chút ngọt rất ngon.