Ăn vặtMón bánhMón nướngẨm thực

Cách làm bánh khoai mì (sắn) nướng dẻo ngon

Vào những ngày khí trời se lạnh được thưởng thức bánh mì nướng thơm ngon, ấm nóng thì còn gì bằng. Hãy cùng Cà Tím vào bếp tham khảo cách làm bánh khoai mì nướng thơm ngon ngay tại nhà nhé!

Nguyên liệu bánh khoai mì

  • 1kg Khoai mì
  • 200gram đậu xanh
  • 400 gram đường cát
  • 400ml nước cốt dừa 
  • Mè trắng

Cách làm bánh khoai mì

Khoai mì gọt vỏ rửa sạch, tách đôi để bỏ sợi lõi ở giữa rồi ngâm khoai mì với nước muối loãng khoảng 6 tiếng trước khi chế biến hoặc để qua đêm để loại bỏ độc tố. Sau đó cho khoai mì vào cối xay sinh tố, thêm nước rồi xay nhuyễn sau đó dùng 1 tấm vải vắt kiệt nước. Nước đó các bạn đừng bỏ đi mà để lắng lại lấy phần bột ở dưới rồi trộn với các nguyên liệu khác luôn nha.

Đậu xanh ngâm 2-3 tiếng rồi đem đi nấu chín, sau đó đem đi xay nhuyễn cùng với 300 ml nước cốt dừa.

Sau đó trộn khoai mì đã vắt nước, đậu xanh đã xay với cốt dừa, đường với nhau. Sau khi trộn thì kiểm tra xem độ đặc của bánh để quyết định có thêm 100ml cốt dừa còn lại vào hay không. (Đừng để bột khô như bánh quy thành phẩm sẽ cứng và khó ăn)

Dùng chút dầu ăn quét quang khuôn bánh sau đó đổ hỗn hợp làm bánh vào, rắc thêm mè trắng lên mặt để trang trí. Không nên làm thành bánh quá cao (mình thường làm tầm 5cm), vì nướng thời gian quá lâu, mặt bánh sẽ chai cứng.

Nướng ở nhiệt độ 170 độ trong thời gian 60 phút hoặc hơn tùy độ dày của bánh, nếu nướng bằng nồi chiên không dầu chỉ có 1 thanh lửa trên, bạn nên giảm bớt 10 độ và che mặt bánh bằng giấy bạc, khi bánh chín hẳng mở ra và hông thêm 5-10 phút cho vàng mặt bánh.

Khi bánh chín bánh sẽ rất mềm dẻo, bạn để nguội thì bánh cứng lại là vừa ăn. Bánh có thể để ngoài nhiệt độ thường nhiều giờ mà vẫn dẻo và không cứng giống như làm bằng bột mì.

Thành phẩm

Bánh khoai mì nướng mềm dẻo, có vị thơm, vị ngọt của khoai mì, đậu xanh và của nước cốt dừa tạo nên hương vị đặc trưng, đậm chất hương quê quen thuộc.

Cách chọn mua khoai mì (củ sắn) ngon

  • Khi chọn khoai mì (củ sắn) thì các bạn chú ý nên chọn loại khoai mì đồi, bởi vì loại này khi ăn sẽ rất bở và thơm.
  • Nên chọn những củ có lớp vỏ tươi mới vì đó là những củ mềm ngọt, không bị xơ.
  • Hãy thử dùng móng tay cạo nhẹ phần vỏ mỏng phía ngoài sắn, nếu lớp vỏ phía trong, nếu là màu hồng nhạt thì chọn, màu trắng thì nên bỏ qua, bởi vì lớp vỏ màu hồng sẽ có ít độc tố hơn lớp vỏ màu trắng.
  • Khoai mì (củ sắn) không nên để quá lâu sẽ làm củ bị chai sượng khô và không còn ngon nữa. Khoai mì tương tự như củ măng tre, tuy ngon nhưng trước khi chế biến bạn cần sơ chế cẩn thận để loại bỏ độc tố bên trong củ mì.

Tại sao cần ngâm khoai mì?

Trong củ khoai mì chứa độc tố Acid Cyanhydric (HCN), một chất có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Vì trong khoai mì chứa chất độc này, do đó cần ngâm trong nhiều giờ hoặc qua đêm để cho chất độc này ra hết.

Bài viết liên quan

Chat